(Dân trí) - Báo Interfax của Nga cách đây không lâu đưa tin, một thanh niên ở tỉnh Kaliningrad dùng dao sát hại một cụ già, sau đó ngửa miệng hứng lấy dòng máu chảy ra từ vết thương. Đài BBC (Anh) trước đó cũng từng phản ánh sự việc tương tự: công dân Mathew Hardman 17 tuổi mưu sát người hàng xóm, hút máu hòng mong được... trường sinh.
Báo chí các nước không ít lần được phen rùm beng bởi những câu chuyện rùng rợn như thế. Phải chăng, đó là bằng chứng sống về sự hiện diện có thật của ma cà rồng?
“Chắc chắn là không” - Sergei Vasilyev, giáo sư Viện khoa học Y khoa khẳng đinh. “Số trường hợp cá biệt này đơn thuần là những kẻ điên loạn được gọi chung bằng cái tên “Quỷ Sa-tăng”. Họ hút máu người để phục vụ nghi thức tín ngưỡng nào đó. Họ cũng không thuộc lớp người bệnh hoạn mà dựa theo đó hình tượng ma cà rồng thời Trung cổ bắt đầu được dựng lên”.
Theo truyền thuyết, ma cà rồng xuất hiện lần đầu tiên cách đây hàng nghìn năm có lẻ. Tư liệu của Tòa án dị giáo (do giáo hội Thiên chúa La Mã lập ra từ thế kỷ 15) còn ghi lại mô tả chi tiết về những sinh vật hút máu người: màn đêm buông xuống mới là lúc chúng rời hầm mộ đi tìm nạn nhân đang say ngủ, chúng sợ ánh sáng mặt trời, mắt trắng điên dại và răng nanh nhọn hoắt.
Bác sĩ người Anh Lee Eallis là người đầu tiên nghiên cứu ma cà rồng dưới góc nhìn của khoa học. Ông đưa ra giả thuyết về mối liên hệ giữa “những sinh vật hút máu được quy chụp cái tên ma cà rồng” và bệnh porphyria - một triệu chứng rối loạn di truyền hiếm gặp, gây ra bởi sự xáo trộn trong quá trình biến dưỡng thực phẩm mang sắc tố đỏ tươi khi đưa vào cơ thể.
Năm 1963, Eallis gửi lên Hội Y khoa Hoàng gia Anh công trình nghiên cứu “Porphyria và nguồn gốc Ma cà rồng”. Đáng tiếc, tác phẩm này nhanh chóng bị các thành viên trong Hội bỏ quên, mãi cho đến giữa những năm 1980 mới được giáo sư Wayne Tikkanen, một đồng nghiệp của Eallis, chú ý và khôi phục lại giá trị.
Vậy, do đâu mà xuất hiện ma cà rồng?
Các nhà khoa học khẳng định, nguyên nhân chính là căn bệnh porphyria - một loại bệnh gen di truyền làm ảnh hưởng đến các sắc tố dưới da.
“Vào giai đoạn cuối, khuôn mặt bệnh nhân porphyria bị biến dạng một cách kỳ dị và hãi hùng, tới mức ngay cả chủ nhân của nó cũng không đủ can đảm soi gương. Nước da sạm lại, nướu răng bắt đầu tróc ra từng mảng khiến cho gốc chân răng càng chìa hẳn ra ngoài. Lợi chuyển sang màu đỏ quạch, ri rỉ máu máu, trông như thể hàm răng vừa cắm ngập vào... cổ ai.
Thêm nữa, những người này cũng rất sợ tiếp xúc với ánh sáng, bởi sẽ làm da phồng rộp và nhiễm trùng. Do đó họ chỉ dám ra ngoài vào ban đêm. Rối loạn tâm lý phát sinh từ hoàn cảnh tù túng ức chế này”. Không ít bệnh nhân porphyria rơi vào trạng thái cuồng loạn đã nảy ra ý nghĩ điên rồ: tìm hơi máu để làm dịu cơn đau đớn.
“Porphyria là căn bệnh bí hiểm nhất mọi thời đại” - giáo sư Vasilyev cho biết. Hiện nay các bác sĩ vẫn đang tiến hành tìm kiếm các phương thức điều trị bằng gen, kết hợp biện pháp trước mắt là truyền máu. Tuy nhiên việc truyền máu tỏ ra không hiệu quả khi bệnh bước vào giai đoạn cuối. Cũng may, số người mắc căn bệnh nguy hiểm này không nhiều, trên thế giới hiện mới chỉ ghi nhận được hơn 100 trường hợp.
Người ta đồn đại rằng, Hennelora Kohl - phu nhân cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl cũng là một bệnh nhân porphyria. Không diễn tả nổi sự đau đớn của bà mỗi lần da tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Suốt một thời gian dài bà đã phải giấu mình trong phòng kín, trước khi tự sát tại nhà riêng ở thành phố Ludwigshafen vào ngày 5/7/200.